Kinh A Di Đà là một bản Kinh rất phổ biến được truyền tụng hàng ngày trong đời sống đạo của Phật tử ở các nước Viễn Đông châu Á, nhất là ở V...
Kinh A Di Đà là một bản Kinh rất phổ biến được truyền tụng hàng ngày trong đời sống đạo của Phật tử ở các nước Viễn Đông châu Á, nhất là ở Việt Nam. Vị trí của Kinh luôn luôn được xây dựng trên căn bản của niềm tin; và trong lòng người hành trì, Kinh chính là con đường dẫn đến thế giới Tịnh độ - một thế giới không có khổ đau, không có sinh lão bệnh tử, thế giới của niềm phúc lạc vô biên.
Kinh A Di Đà thuộc hệ tư tưởng Đại thừa, ra đời trong thời kỳ
phát triển Đại thừa Phật giáo.
Kinh A Di Đà (tiểu bản Sukhàvatì - vyùha) là một bản toát yếu
của Đại Vô Lượng Thọ Kinh (đại phẩm Sukhàvatì - vyùha), dịch từ Phạn bản qua
Hán bản. Bản Kinh người viết dùng làm tư liệu tham khảo ở đây là bản dịch của
Pháp sư Cưu Ma La Thập đời Diêu Tần, một trong toàn tập Tịnh Độ dịch từ năm 147
đến năm 713 sau Tây lịch.
Tập Kinh Quán Vô Lượng Thọ (Amitayur - Dhyàna Sutra) cho ta
biết nguyên lai của giáo lý Tịnh độ do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết. A Xà Thế,
Thái tử thành Vương Xá, nổi loạn chống lại vua cha là Tần Bà Sa La và hạ ngục
nhà vua này; hoàng hậu cũng bị giam vào một nơi. Sau đó, hoàng hậu cầu thỉnh Đức
Phật chỉ cho bà một chỗ tốt đẹp hơn, nơi không có những tai biến xảy ra như vậy.
Đức Thế Tôn liền hiện thân trước mặt bà và thị hiện cho thấy tất cả các Phật độ
và bà chọn quốc độ của Phật A Di Đà coi như tối hảo, Phật bèn dạy bà cách tụng
niệm về quốc độ này để sau cùng được thác sinh vào đó. Ngài dạy bà bằng giáo
pháp riêng của Ngài và đồng thời giảng giáo pháp của Phật A Di Đà. Cả hai giáo
pháp cuối cùng chỉ là một, điều này ta có thể thấy rõ theo những lời Ngài dạy
Tôn giả A Nan ở đoạn cuối của các bài pháp: "Này A Nan, hãy ghi nhớ bài
thuyết pháp này và lặp lại cho đại chúng ở Kỳ Xà Quật nghe. Thuyết giáo này, ta
gọi đấy là Kinh A Di Đà". Quan điểm đó của kinh Quán Vô Lượng Thọ như muốn
nói lên giáo lý A Di Đà cùng nguồn gốc với giáo lý Nguyên thủy, đều do Đức Thế
Tôn thuyết. (Các tông phái đạo Phật, bản dịch của Tuệ Sỹ, Tu thư Đại học Vạn Hạnh
1973, tr.329).
Danh hiệu A Di Đà dịch từ tiếng Phạn Amita hay Amitàyus hoặc
Amitàbha, có nghĩa là Vô lượng, Vô lượng thọ, Vô lượng quang (ngoài ra, có nơi
ghi thêm nghĩa: Cam lồ, Vô lượng thanh tịnh, Vô lượng công đức).
Danh từ Vô lượng, nếu miêu tả xét theo không gian, sẽ là Vô
lượng quang; nếu trên cương vị thời gian, thì là Vô lượng thọ. Đấy là Pháp thân
(Dharma - kàya). Pháp thân này là Báo thân (Sambhoga - kàya) nếu Phật được coi
như là đức Phật "giáng hạ thế gian". Nếu Ngài được coi như một Bồ Tát
đang tiến lên Phật quả, thì Ngài là một vị Phật sẽ thành, như Bồ Tát Cần Khổ (Đức
Phật Thích Ca Mâu Ni). Nói cách chính xác hơn, nếu chúng ta mô tả một vị Phật dựa
trên căn bản giác ngộ viên mãn, chúng ta sẽ đi đến một lý tưởng về Phật, nghĩa
là Vô lượng quang biểu tượng của trí tuệ giải thoát (Phật trí); Vô lượng thọ biểu
tượng của đại định (tâm giải thoát), ở ngoài các vọng tưởng phân biệt. Ý nghĩa
Vô lượng quang và Vô lượng thọ, và nhân cách giác ngộ của trí tuệ và từ bi vô
cùng tận, tất cả chỉ giản dị là những giải thích về Vô lượng.
Theo Kinh A Di Đà, Đức Phật A Di Đà đã ra đời cách đây
"10 A tăng kỳ kiếp", có nghĩa là "từ lâu đời rồi" và có thể
là nhắc tới hiện thân thứ 2 hay thứ 3 của Ngài, Phật nguyên thủy có thể là xa
xưa hơn nữa, hiện nay Ngài đương thuyết pháp và sẽ còn tiếp tục thuyết pháp tại
đó cho đến một tương lai lâu xa.
Mặt khác, "trong tương lai, khi Kinh pháp mất hết, Như Lai cũng thương chúng sinh mà giữ Kinh này thêm một trăm năm. Ai gặp được cũng thỏa nguyện. Và từ đó về sau, Kinh này cũng không còn, chỉ còn lại 4 chữ A Di Đà Phật rộng độ quần sinh". (Đại Tạng Kinh bản chữ Vạn 150/36A trích dẫn). (Sđd, tr.362).
COMMENTS